IFRAME SYNC

Phát huy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tuổi trẻ

Tại huyện ven biển Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, cơ sở sản xuất cơm cháy của chị Tống Thị Thủy – là cơ sở sản xuất đi đầu trong đổi mới sản xuất và được nhiều khách hàng ưa chuộng. Với sự khác biệt của sản phẩm thông qua áp dụng công nghệ mới, thay đổi các mẫu mã , phối hợp nguyên liệu để tạo ra những vị mới phù hợp với thị hiếu đã tạo ra khối lượng lớn sản phẩm cơm cháy chất lượng cao, mẫu mã đẹp và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cơ sở của chị Thủy đã tận dụng các nguồn vốn để đầu tư mở rộng nhà xưởng, trang thiết bị máy móc, công nghệ chế biến hiện đại áp dụng vào sản xuất nhằm tăng năng suất, cải thiện về chất lượng sản phẩm làm ra. Cũng như đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và trực tiếp tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương.

Năm 2023, doanh thu của cơ sở đạt trên 2 tỉ đồng, thương hiệu cơm cháy gạo lứt của chị Thủy ngày càng được nhiều khách hàng ưa chuộng chọn lựa.

Cũng tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình anh Vũ Văn Ninh, một thanh niên trẻ tại xã Hồi Ninh đã quyết định thực hiện mô hình nuôi ếch sau khi tìm hiểu và nắm bắt xu thế thị trường. Mô hình không đòi hỏi nhiều kinh phí đầu tư về ao nuôi và con giống, quan trọng là có diện tích mặt nước sạch. Tận dụng diện tích mặt nước lớn của gia đình, từ vài ba ao nuôi ban đầu, hiện anh Ninh đã phát triển nhiều hệ thống ao nuôi ếch với quy mô trên 7000 mét vuông.

Điều đáng chú ý là anh Ninh đã nghiên cứu tự chủ nguồn ếch giống, không chỉ đáp ứng nhu cầu của bản thân, mà còn cung ứng ếch giống cho các mô hình trong và ngoài địa phương. Hiện nay mỗi năm mô hình của anh Ninh cung ứng ra thị trường khoảng 40 đến 50 tấn ếch thương phẩm và trên 100 vạn ếch giống. Trừ chi phí cho ra lợi nhuận lên đến hơn 300 triệu đồng/năm.

Còn đây là mô hình nuôi ốc nhồi của anh Hoàng Sự Nghiệp tại bản Mường, Mường Mít, Than Uyên tỉnh Lai Châu. Mô hình này đã góp phần tạo ra tiềm năng mới cho những sản phẩm nông nghiệp đặc sản địa phương bằng cách tận dụng địa hình những thửa ruộng bậc thang trên sườn núi, nguồn nước mạnh ngầm trong sạch.

Bắt đầu từ số vốn 5 triệu đồng mà anh Nghiệp đầu tư làm ốc sinh sản bán con giống, với quy mô thử nghiệm trên diện tích ruộng 500m2 đã cho ra sản lượng 3 tạ con giống. Đến năm 2023, nhận thấy nhu cầu trên thị trường anh Nghiệp đã mở rộng quy mô nuôi ốc lên 1000m2 để phát triển ốc nhồi thương phẩm. Hiện nay, ốc nhồi là sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế rất cao, sản lượng thương phẩm năm 2023 là 1 tấn ốc, ngoài ra còn chuẩn bị 10 vạn con giống cung cấp cho các hộ chăn nuôi ở ngoại tỉnh.

Khác với mô hình nuôi ốc nhồi của anh Nghiệp, thanh niên Tòng văn Xôm bản Hát Nam, Mường Mít, Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã đưa ra ý tưởng táo bạo để canh tác cây dưa lê và dưa hấu. Bắt tay vào thực hiện ý tưởng khởi nghiệp, anh Xôm đầu tư 5 triệu đồng để mua hạt giống, bạt phủ, phân bón. Triển khai trồng từ 3/2023 sau 45 ngày diện tích 2000m2 dưa lê, 1000m2 trồng dưa hấu đã cho thu hoạch, năng suất dưa lê 10kg quả/ngày, dưa hấu thu hoạch 600 quả, 2kg/quả. Với giá bán từ 20.000đ – 25.000đ sau khi kết thúc vụ dưa ngắn ngày anh Xôm đã có lãi lên đến 20 triệu đồng.

Có thể thấy, với lợi thế của từng địa phương thì lại phù hợp với nhiều mô hình khởi nghiệp khác nhau nhưng các mô hình đều có điểm chung là mang lại hiệu quả từ tinh thần dám đổi mới sáng tạo. Tinh thần khởi nghiệp sáng tạo đã mang lại hiệu quả cao và góp phần thực hiện tính xung kích của tuổi trẻ, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên thanh niên cũng như người dân tại từng địa phương. Qua đó, càng khẳng định vai trò của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế cho quê hương, đất nước.
————-
● Fanpage:
https://www.facebook.com/NhipSongTre01
https://www.facebook.com/thanhnienso1
https://www.facebook.com/MusicFairYoutube/
● Youtube:
https://www.youtube.com/@musicfair3679
https://www.youtube.com/@tvnhipsongtre5448
————-
#nhipsongtre #thanhnienso #musicfair

IFRAME SYNC